Trong quá trình điều trị Đái tháo đường (tiểu đường), ngoài việc tuân thủ lộ trình điều trị do Bác sĩ đưa ra, người bị đái tháo đường cần kiên trì với thói quen ăn uống hợp lý, có như vậy kết hợp với việc điều trị sẽ hiệu quả hơn rất nhiều

Đái tháo đường là gì? Glucose là gì?

Đái tháo đường hay còn gọi là bệnh tiểu đường, là bệnh mạn tính do lượng đường glucose trong máu tăng cao. Glucose – là một dạng đường đơn, là nguồn cung cấp năng lượng cơ bản cho các tế bào cơ thể hoạt động.

Insulin là tên một loại hoóc-môn được sản sinh trong tuyến tụy. Giới y học thường ví insulin là chiếc chìa khóa thần kỳ, giúp các tế bào hấp thụ glucose trong máu (còn gọi là glucose máu) và chuyển hóa thành năng lượng cho hoạt động hằng ngày.

Trong cả hai trường hợp, lượng glucose máu không được hấp thụ sẽ dần tích tụ trong máu, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Tế bào thần kinh và hệ động mạch là hai bộ phận bị tổn thương nhiều nhất do đái tháo đường (tiểu đường).

Do đó, để điều trị bệnh đái tháo đường (tiểu đường) hiệu quả, bệnh nhân cần thực hiện và duy trì chế độ ăn hợp lý để hạn chế glucose tăng cao trong máu.

Những nhóm thực phẩm làm tăng đường huyết

Glucose có nguồn gốc chủ yếu từ carbohydrate từ thức ăn, nên người bệnh nên hạn chế những nhóm thực phẩm chứa nhiều carbohydrate được phân loại theo các nhóm dưới đây:

Carbonhydrates (carbs) trong thức ăn sẽ được chuyển hóa thành glucose, ảnh hưởng rất lớn đến mức glucose huyết của người đái tháo đường (tiểu đường). Việc đếm lượng carbs nạp vào cơ thể giúp bạn kiểm soát khẩu phần ăn lẫn glucose huyết trong cơ thể. Lý tưởng nhất, bạn nên ăn cùng một lượng carbs mỗi ngày, nhất là khi đang uống thuốc điều trị đái tháo đường hoặc tiêm insulin.

1. Thực phẩm có nguồn gốc từ gạo, nếp và bột

Những món ăn quen thuộc với người Việt được chế biến từ gạo, nếp như: cơm, bún, bánh ướt, phở, xôi, bánh chưng…là nhóm đầu tiên cần hạn chế. Nhất là những món ăn chế biến từ nếp như xôi, chè…vì nếp có chỉ số đường huyết còn cao hơn cả gạo, do vậy cần hạn chế nhiều hơn.

Một món ăn sáng phổ biến khác mà người bệnh cũng nên hạn chế là khoai. Các loại khoai mà chúng ta ăn hàng ngày chứa rất nhiều tinh bột, mặc dù trong một số loại khoai chứa nhiều chất xơ, tuy nhiên nếu ăn nhiều chúng làm gia tăng đường huyết rất nhanh. Các loại khoai thường gặp: Khoai tây, khoai lang, khoai mì… Trong đó, khoai tây là thủ phạm gây béo phì và tăng đường huyết thường gặp.

Ngoài ra, các loại thực phẩm chế biến sẵn từ đến từ bột như bánh, mì, mì gói… người bệnh cũng nên hạn chế.

2. Trái cây

Chúng ta đều biết rằng trái cây cung cấp nhiều vitamin, chất xơ có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong trái cây chứa nhiều dạng đường; đường saccharose,  sucrose, fructose, maltose…Khi bạn ăn quá nhiều trái cây, đặc biệt là bệnh nhân đái tháo đường (tiểu đường), các loại đường trên sẽ chuyển hóa thành đường glucose trong máu.

Trái cây được khuyến cáo chỉ khoảng 2-3 phần trái cây mỗi ngày. Một hình ảnh dễ nhớ, lượng trái cây ăn vào mỗi ngày chỉ vào khoảng 1 nắm tay của bạn, như là 1 trái táo hay 2-3 trái chuối nhỏ hay 1 trái cam…mỗi ngày.

Khi ăn trái cây, bệnh nhân đái tháo đường (tiểu đường) không nên ép thành nước trái cây để uống mà nên ăn, vì  phần chất xơ trong trái cây có nhiều lợi ích cho cơ thể, như giảm tăng đường huyết sau ăn, chống táo bón…

3. Sữa

Khi uống sữa, cho dù đó là loại có đường hoặc không đường, đều có thành phần galactose, do vậy khi uống nhiều sữa, cơ thể sẽ tích tụ thành phần galactose và làm tăng đường trong máu.

Một nhầm lẫn mà bệnh nhân đái tháo đường (tiểu đường) hay mắc phải, đó là uống nhiều sữa dành cho bệnh nhân đái tháo đường (tiểu đường) vì nghĩ rằng sữa này không làm tăng đường huyết. Cần phải hiểu rằng: sữa tiểu đường là bữa ăn thay thế, có nghĩa là mỗi ly sữa dành cho bệnh nhân đái tháo đường (tiểu đường) đã được tính toán về thành phần để đủ cung cấp năng lượng thay thế cho một bữa ăn, do vậy khi uống 1 ly sữa, bệnh nhân phải bỏ bữa ăn tương ứng. Nếu chúng ta ăn uống đầy đủ mà uống thêm sữa dành cho người đái tháo đường (tiểu đường) sẽ làm tăng đường huyết sau ăn.

4. Kẹo, nước ngọt, đường…

Tất nhiên rồi, đây là nhóm thực phẩm rất dễ nhận diện cần phải cấm sử dụng cho bệnh nhân đái tháo đường (tiểu đường). Chúng chứa nhiều đường đơn và hấp thu rất nhanh vào cơ thể, làm gia tăng glucose trong máu nhanh chóng.

5. Rượu bia

Uống nhiều bia,rượu khi đang uống thuốc điều trị đái tháo đường (tiểu đường) sẽ làm gia tăng nguy cơ hạ đường huyết. Trong bia, có nhiều carbohydrate, do đó khi uống nhiều dễ gây tăng đường, tích tụ mỡ, tăng cân. Đường huyết rất khó kiểm soát trên bệnh nhân uống nhiều bia.

Trên thực tế, nếu như khi cần thiết phải tham gia các bữa tiệc, theo khuyến cáo thì mỗi ngày bệnh nhân đái tháo đường (tiểu đường) cũng có thể uống 1 ly bia, hay 1 ly rượu vang hay 1 chung rượu.

Tài liệu tham khảo:

1- Lifestyle Management: Standards of Medical Care in Diabetes—2019. American Diabetes Association
Diabetes Care 2019 Jan; 42(Supplement 1): S46-S60.
2-https://www.choosemyplate.gov/